Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở là nội dung quan trọng trong tổng thể xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Môi trường cơ sở là nơi mỗi người sinh sống và gắn bó, nơi trực tiếp diễn ra đời sống văn hóa; nơi kiểm chứng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cũng là nơi các cấp, các ngành lắng nghe từ thực tiễn sinh động của cuộc sống để tham mưu hoạch định chính sách một cách sát hợp, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Những năm qua, công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đạt nhiều kết quả, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Những kết quả được thể hiện khá tập trung qua hơn 25 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” cùng các kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp thực hiện các Nghị quyết này, cùng với kết quả các phong trào, cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới, đô thị văn minh...
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về văn hóa được tăng cường; các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở có bước phát triển. Các cấp, các ngành quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Các công trình, thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư xây dựng, bước đầu đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc… Hiện nay, các thư viện, trung tâm văn hóa – thể thao, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa và học tập cộng đồng, nhà văn hóa – khu thể thao cụm liên ấp, phòng đọc sách, tủ sách ở cơ sở… đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của Nhân dân.
Tuy nhiên, so với kết quả phát triển kinh tế - xã hội, thì việc đầu tư phát triển cho văn hóa vẫn có mặt chưa tương xứng, chưa tác động mạnh mẽ đến việc xây dựng con người, môi trường văn hóa, sự gắn kết văn hóa cộng đồng; thậm chí, đó đây có những biểu hiện tha hóa, xuống cấp về đạo đức, lối sống, gây bức xúc trong xã hội… Có nhiều nguyên nhân, sâu xa là do sự biến đổi nhanh chóng, phức tạp của đời sống xã hội, của mặt trái kinh tế thị trường, dẫn đến sự thay đổi trong nếp sống, cách nghĩ của mỗi người dân; cùng sự thụ động, lúng túng, hạn chế trong lãnh đạo, quản lý và hạn chế kinh phí để tổ chức các hoạt động văn hóa ở cơ sở, chưa phát huy tốt các thiết chế văn hóa…
Để xây dựng, phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực của sự phát triển bền vững, thiết nghĩ trong việc hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động văn hóa ở cơ sở, cần chú ý một số giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người; chú trọng thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh,... Đây là nhiệm vụ bao trùm, thường xuyên, chi phối toàn bộ các hoạt động văn hóa ở cơ sở. Trong quá trình thực hiện phải bám sát thực tiễn, xây dựng chương trình, kế hoạch có tính khả thi; kết hợp chặt chẽ giữa các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao, thông tin, giải trí, đấu tranh bài trừ tệ nạn xã hội… để nâng cao hiệu quả tổng hợp trong xây dựng đời sống văn hóa. Lưu ý, bình xét các danh hiệu văn hóa phải đi vào thực chất, tránh hình thức và chú trọng nâng chất.
Hai là, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng ở cơ sở. Duy trì, đổi mới hoạt động các câu lạc bộ sở thích nghệ thuật, các điểm sinh hoạt văn hóa… theo đặc điểm dân cư, văn hóa, nghề nghiệp, lứa tuổi... để tác động trực tiếp vào tình cảm, nhận thức thẩm mỹ của người dân. Khơi gợi, tạo điều kiện để phát huy nguồn lực sáng tạo vô tận trong Nhân dân, để người dân bộc lộ năng khiếu, sở thích, tự sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn hóa.
Ba là, hoạt động thư viện, phong trào đọc sách có vai trò quan trọng của công tác tư tưởng ở cơ sở, cần được ưu tiên trong kế hoạch, chương trình công tác của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay việc phát huy tác dụng của sách, báo in có phần hạn chế, khi mà các phương tiện nghe - nhìn khác đang phát triển mạnh mẽ và có nguy cơ lấn át văn hóa đọc. Cho nên, hoạt động của thư viện, phòng đọc cần gắn kết với các hoạt động khác (trạm truyền thanh, câu lạc bộ sở thích, sân chơi thể thao…) để tăng sức hấp dẫn, thu hút người dân.
Bốn là, tổ chức tốt hoạt động tại các nhà truyền thống, bia di tích, lễ hội tại địa phương… để giáo dục chính trị, tư tưởng và lịch sử, văn hóa truyền thống cho người dân. Các hoạt động cần tránh phô trương hình thức, đảm bảo ý nghĩa, chọn lọc những giá trị tốt đẹp, tiến bộ, loại bỏ các hủ tục... Trong tổ chức, quản lý các di tích, nhà truyền thống, lễ hội đòi hỏi cán bộ có am hiểu lịch sử, văn hóa, nắm vững các quy định, vận động, tổ chức người dân tham gia một cách tự nguyện, tích cực và đúng định hướng. Tiếp tục phát huy giá trị các di tích, chẳng hạn gắn kết với các chuyến về nguồn, các đợt sinh hoạt giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên...
Năm là, củng cố, phát huy tốt công năng các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Nghiên cứu tổ chức những hoạt động thiết thực, phù hợp để các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, khu thể thao cụm liên ấp… thật sự là nơi gắn kết, là điểm hẹn sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao, thông tin tuyên truyền cho người dân. Đồng thời, tăng cường việc liên kết, huy động các nguồn lực hỗ trợ kinh phí, thực hiện xã hội hóa, đa dạng các hoạt động, đáp ứng tốt nhu cầu thụ hưởng văn hóa của Nhân dân.
Cùng với các nhiệm vụ giải pháp trên, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người làm công tác văn hóa có vai trò quyết định trong việc tham mưu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện đời sống văn hóa ở cơ sở. Đội ngũ này gồm cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ (ở cơ sở là cán bộ tuyên giáo và cán bộ văn hóa – thông tin) và những quần chúng là hạt nhân văn hóa, giữ vai trò nòng cốt hưởng ứng các hoạt động văn hoá. Việc quan tâm phát triển tốt đội ngũ này là điều kiện, là yêu cầu đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác văn hóa ở cơ sở. Đây cũng là giải pháp cuối cùng được đề xuất, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác văn hóa ở cơ sở trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới./.
Thạch Chanh