Vừa qua, ngày 20/8/2022, nhằm mùng 05 tháng 7 năm Quý Mão, Ban Quản lý di tích cấp quốc gia Văn Thánh Miếu đã phối họp cùng với Ban nghi lễ đình Long Hồ thực hiện lễ cúng húy nhật Hiệp tá Đại học sĩ, Kinh lược sứ Nam kỳ Phan Thanh Giản. Với trình tự các nghi thức tế lễ như sau: một tuần hương, hai tuần rượu, đọc văn tế, một tuần rượu, một tuần trà và cuối cùng là đốt văn tế trong tiếng trống kèn lễ nhạc trang nghiêm.

Hình 1. Lễ tế nhạc nghinh thiên tiếp giá tại lễ giỗ lần thứ 156 cụ Phan Thanh Giản
Theo sử sách ghi chép, Phan Thanh Giản là một danh sĩ, đại công thần triều Nguyễn, sinh ngày 12 tháng 10, năm Bính Thìn (11/11 1796) tại làng Tân Thạnh, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh về sau là làng Bảo Thạnh, tổng Bảo Trị, huyện Bảo An, phủ Hoằng Trị, tỉnh Vĩnh Long. Nay thuộc xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ông có tên chữ là Tịnh Bá, và Đạm Như, hiệu Lương Khê, biệt hiệu Mai Xuyên, bản tính vốn thông minh, hiếu học, phẩm chất hiếu nghĩa nên được nhiều người giúp đỡ. Nhờ đó, ông đậu cử nhân tại kỳ thi Hương ở Gia Định khoa Ất Dậu (1825). Sau đó một năm, ông thi Hội ở kinh đô Huế đậu Đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Bính Tuất (1826) vào năm 30 tuổi và là vị tiến sĩ đầu tiên ở Nam kỳ.
Ông được triều đình bổ dụng làm quan, trãi ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức lần lượt giao giữ trọng trách quan trọng: Thượng thư bộ Hình (1847), Thượng thư bộ Lại (1848), Thượng thư bộ Binh (1853), Chánh sứ toàn quyền Đại thần (1863), Thượng thư bộ Hộ (1864). Ông kinh qua ít nhất 58 chức vụ lớn nhỏ, thấp nhất làm quân tiền hiệu lực, làm lính quét dọn nơi công quán, cao nhất là Thượng thư. Chức vụ đầu tiên làm biên tu ở Viện Hàn lâm thụ chức Hình bộ Lang trung (1826), chức vụ cuối làm Hiệp biện Đại học sĩ, Hộ bộ Thượng thư sung Kinh lược sứ 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Bên cạnh đó, ông từng đi sứ Trung Quốc, Pháp,…Dù ở cương vị nào ông cũng cố gắng làm hết phận sự của mình, được vua Tự Đức (1852) ban tặng kim khánh hạng lớn với 04 chữ vàng “Liêm, Bình, Cần, Cán”; và do “liêm trực, cẩn thận”, sau vua lại ban thêm tấm bài bằng ngọc tốt vào năm 1856./.
Bài và ảnh: Tào Phú Vinh, phòng Nghiệp vụ quản lý di tích Bảo tàng Vĩnh Long.