Hát Bội đến với vùng đất phương Nam từ thuở cha ông bắt đầu khai mở vùng đất này và được coi là một loại hình sân khấu xuất hiện sớm nhất ở Nam Bộ. Ở Vĩnh Long khoảng cuối thế kỷ XIX đến thế kỷ XX, có rất nhiều đoàn Hát Bội, gánh Hát Bội nổi tiếng và lưu diễn khắp vùng, là giai đoạn cực thịnh về loại hình nghệ thuật này. Các tuồng diễn thường là tuồng lịch sử, tuồng dã sử góp phần nhắc nhở người đời sau về lịch sử dân tộc, đề cao những tấm gương sáng của các vị anh hùng, đề cao nhân - nghĩa - lễ - trí - tín và đạo lý làm người.
Hát Bội đóng vai trò rất quan trọng trong lễ hội cúng đình, miếu ở Vĩnh Long. Nếu trong phần lễ nghi thức cúng là hạt nhân của lễ, thì Hát Bội được xem là hạt nhân của phần hội. Những suất Hát Bội diễn ra trong phần hội được người dân địa phương mong chờ thể hiện tâm tư, nguyện trọng của người dân được mưa thuận gió hòa, giúp con người có niềm tin vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống, trước thiên nhiên; hát bội là đảm bảo cho phần lễ được tiến hành trang nghiêm, đúng bài bản, đảm bảo tính truyền thống,… Hát Bội là một loại hình nghệ thuật sân khấu gắn liền với tín ngưỡng Thành hoàng Bổn cảnh. Ở Nam Bộ, Hát Bội đi vào lễ hội dân gian, thường được biểu diễn tại kỳ lễ hội Thượng điền và Hạ điền. Sau khi cúng thần đến phần xây hồi chầu Hát Bội theo tuồng tích. Lễ xây hồi chầu Đại Bội có thể xem như là nghi thức trống hội, thể hiện con người giao hòa với trời đất, thần linh hứa hẹn một năm quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cũng là nghi thức khởi đầu hội hè bằng hát bội nhằm mục đích cầu mong sự hài hòa giữa Thiên, Địa, Nhơn: “Tròn đạo Trời, vuông đạo Đất, sáng đạo Người”. Đạo trời là âm dương, đạo đất là nhu cương, đạo người là nhân nghĩa. Con người luôn gắn bó với mặt trời, mặt trăng, tinh tú, cây cỏ, núi sông, mưa, nắng, gió. Ba đạo được điều hòa thì vạn vật mới tươi nhuần.

Biểu diễn Hát Bội tại các di tích
Hát Bội ban đầu vốn giới hạn trong chốn cung đình cho giới quan lại thưởng thức, thì khi vào Nam nó đã là “món ăn” bình dân cho tất cả. Từ người giàu có đến người bần tiện, bất kể nam phụ hay lão ấu, nơi giồng cao hay chốn sông sâu; ai ai cũng có thể thưởng thức một cách bình đẳng. Đây chính là tính nhân văn, đặc trưng đáng quý nhất của Hát Bội ở Nam Bộ nói chung, Vĩnh Long nói riêng. Nó phản ánh đúng bản tính phóng khoáng, hào sảng, bao dung của những con người đi khai mang bờ cõi cho đất nước. Có thể nói, Hát Bội là một trong những nguồn vui, đem đến động lực sống, sự mạnh mẽ cho người dân Nam Bộ trên vùng đất mới lúc đó khi thường xuyên phải đối đầu với nhiều hiểm nguy “dưới sông sấu lội, trên bờ cọp đua”.
Cái đẹp trong Hát Bội là cái đẹp truyền thống, tổng hòa giữa hình thức bên ngoài và nội dung bên trong. Nghệ thuật Hát Bội được trình diễn tại võ ca của các đình làng nhằm mục đích trước là dâng cúng thần linh và sau đó là giúp vui cho bà con nông dân trong thôn xóm,... Sân khấu Hát Bội là sân khấu ước lệ, cách điệu đến mức cao nhất. Khác với sân khấu hiện đại, Hát Bội bài trí sân khấu đơn giản, không cần phông màn cầu kỳ. Không gian sân khấu thường được bỏ trống, người diễn viên xuất hiện thì không gian, thời gian cũng xuất hiện. Nhân vật hành động trong không gian, thời gian nào thì sân khấu là không gian, thời gian đó. Đây là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long tổ chức khảo sát phát triển sản phẩm du lịch và giới thiệu phục vụ khách du lịch đến tham quan Vĩnh Long.
Ngày 21/02/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-BVHTTDL về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, theo đó nghệ thuật trình diễn dân gian nghệ thuật Hát Bội tỉnh Vĩnh Long được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tính đến nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có 13 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 04 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 56 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh./.
Xuân Giang